GIỚI THIỆU CHUNG
Để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam, ĐHQG-HCM xây dựng chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác, với số lượng khoảng 350 người trong giai đoạn 2024-2030 (gọi tắt là Chương trình VNU350).
Chương trình VNU350 được triển khai dựa trên nguyên tắc:
- Đảm bảo phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chiến lược phát triển ĐHQG-HCM và nhu cầu thực tế của các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQG-HCM (sau đây viết tắt là đơn vị).
- Được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, chất lượng, hiệu quả; lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm cần thu hút cũng như điều kiện, tiêu chuẩn của chính sách thu hút.
- Có sự cam kết đồng hành cùng thực hiện giữa ba bên: ĐHQG-HCM – Các đơn vị – Nhà khoa học được thu hút.
HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC TẠI ĐHQG-HCM XEM TẠI ĐÂY
CÂU CHUYỆN VỀ GIẢNG VIÊN CỦA CHÚNG TÔI
CHƯƠNG TRÌNH VNU350: THÚC ĐẨY CÁC NHÀ KHOA HỌC PHÁT TRIỂN HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI
Chương trình đã mang lại nhiều cơ hội dành cho những người trẻ yêu quê hương, theo đuổi ước mơ, cũng như được cống hiến cho sự phát triển đất nước. Nắm bắt cơ hội này, nhiều nhà khoa học tốt nghiệp tiến sĩ từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã chọn ĐHQG-HCM làm mái nhà chung cho sự nghiệp tương lai của mình.
Cùng lắng nghe chia sẻ của các nhà khoa học để hiểu hơn về chương trình VNU350 cũng như những nguyện vọng cống hiến của họ cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
* TS Trần Huỳnh Nguyễn Khánh – ngành Dược học, ĐH Công Giáo Daegu Hàn Quốc
Cơ hội lớn để tôi theo đuổi đam mê nghiên cứu
Tôi biết rằng ĐHQG-HCM đang chiêu mộ các nhà nghiên cứu trẻ theo chương trình VNU350 với nhiều hỗ trợ cho nghiên cứu.
Nhận thấy chương trình VNU350 là một cơ hội rất lớn để tôi theo đuổi ước mơ và đam mê nghiên cứu của mình. Tôi cảm thấy được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp của ĐHQG-HCM, học hỏi từ các thầy cô tiền bối đi trước và ứng dụng nguồn nguyên liêu từ tự nhiên của Việt Nam đến sự chữa trị các bệnh cho loài người là niềm hạnh phúc của cá nhân và niềm hy vọng của gia đình.
Tôi đang rất hào hứng để ứng tuyển vào chương trình VNU350, hy vọng có thể được làm việc và cống hiến tại đây cho giai đoạn phát triển nghề nghiệp của mình.
* TS Hoàng Tùng – Khoa học y tế đổi mới, Trường Y-Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc
Đồng hành phát triển nghiên cứu khoa học
Sau một thời gian làm việc và học tập tại Hàn Quốc, tôi có nguyện vọng được quay trở về Việt Nam công tác trong một môi trường giáo dục và học thuật.
Tôi hy vọng tại Khoa Y ĐHQG-HCM, tôi có thể nhận được sự hướng dẫn và đồng hành cùng các anh chị đi trước trong việc truyền đạt những kiến thức cho sinh viên cũng như phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học tại Bộ môn.
* TS Trần Thị Thuỳ Linh – ngành Hóa Dược, Trường ĐH Paris-sud, Pháp
Chương trình VNU350 là cơ hội để làm mới bản thân
Sau khi về Việt Nam, tôi mong muốn tìm môi trường nghiên cứu và giảng dạy để tiếp tục phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp. Nhận thấy chương trình VNU350 được mở ra đúng với thời điểm tôi muốn thay đổi môi trường làm việc mới. Với tôi, chương trình VNU350 là cơ hội để thử thách bản thân và làm mới bản thân nhiều hơn nữa trong nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn để tiếp tục nghiên cứu song song với giảng dạy và đào tạo.
Với thái độ học tập và làm việc cởi mở, tôi tin tưởng rằng trình độ học vấn và kinh nghiệm sâu rộng của mình, tôi sẽ là ứng viên phù hợp cho vị trí này. Tôi luôn tâm niệm rằng mình sẽ làm nên một điều gì đó ý nghĩa trong lĩnh vực Hóa Dược, Y Sinh và môi trường Khoa Y, ĐHQG-HCM sẽ là điều kiện để tôi phát triển tốt nhất, mang lại những giá trị mới, cống hiến nhiều hơn trong sự nghiệp nghiên cứu và sự nghiệp trồng người.
* GS Thái Khắc Minh – ngành Dược học, ĐH Vienna, Cộng hòa Áo
Sẽ góp phần cùng sự phát triển của khoa Y ĐHQG-HCM
Tôi được biết ĐHQG-HCM đang có chính sách thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại ĐHQG-HCM theo chương trình VNU350.
Hy vọng với kinh nghiệm là giáo sư chuyên ngành Hóa Dược sẽ góp phần cho sự phát triển trong tương lai của Khoa Y ĐHQG-HCM trong lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học.
* TS Vũ Gia Phong – chuyên ngành Hóa Sinh tại ĐH UC Berkeley, Hoa Kỳ
Sẽ phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh và trị liệu phân tử
Chương trình VNU350 mang lại nhiều cơ hội dành cho những người trẻ yêu quê hương như tôi để tôi được cống hiến, góp chút sức lực giúp nước nhà phát triển.
Khi Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm được ĐHQG-HCM thành lập, tôi đã chủ động liên lạc để tìm hiểu và sau đó quyết định ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm nghiên cứu tại trung tâm thông qua Chương trình VNU350 của ĐHQG-HCM. Chương trình này mang lại nhiều giá trị, cơ hội cho người trẻ yêu quê hương như chúng tôi để chúng tôi được cống hiến cho đất nước.
Hiện nay ở Việt Nam và thế giới, các nhóm nghiên cứu làm chủ được công nghệ kéo phân tử còn chưa nhiều. Là một trong những nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm thiết kế, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại này, tôi mong thông qua Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm ĐHQG-HCM sẽ có thể dùng những kiến thức và kinh nghiệm của mình trong phát triển các phương pháp chẩn đoán bệnh và trị liệu phân tử chính xác cho Việt Nam.
TS Vũ Gia Phong là một trong số ít học viên nhận được học bổng toàn phần sau đại học của ĐH UC Berkeley. Năm 2014, anh còn là 1 trong 4 nghiên cứu sinh xuất sắc được nhận giải thưởng Luận án Tiến sĩ xuất sắc của Văn phòng Chủ tịch Viện ĐH California.
Trong thời gian làm tiến sĩ, anh được giao nhóm phát triển và thực hiện giao thức an toàn trong nghiên cứu động vật tại phòng thí nghiệm của ĐH UC Berkeley. Anh đã công bố 18 bài báo khoa học, trong đó 16 bài thuộc Q1 và 3 bài được đăng trên tạp chí PNAS.
* TS Nguyễn Văn Chí – Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Quốc lập Khoa học và Công nghệ Đài Loan
Ứng tuyển nghiên cứu viên của Trung tâm INOMAR
Tôi nghĩ Chương trình VNU350, nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ là cơ hội tuyệt vời để tôi phát triển con đường nghiên cứu khoa học. Vì vậy, tôi mong muốn ứng tuyển vào vị trí Nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Cấu trúc Vật liệu Nano và Phân tử. Với những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và đào tạo, tôi tin rằng mình phù hợp với các tiêu chí của Trung tâm.
* PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Như, khoa Tài chính, Đại học Tomas Bata, Công hòa Czech
Trở thành nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế – tài chính
Tôi tham gia ứng tuyển Chương trình VNU350 với vị trí nhà khoa học đầu ngành.
Tôi được biết ĐHQG-HCM xác định tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á. Được làm việc trong môi trường học thuật chuyên nghiệp như vậy, cùng với những kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân đã thúc đẩy tôi ấp ủ những kế hoạch và hoài bão to lớn là thực hiện các dự án nghiên cứu quy mô lớn hơn với sự đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng.
Cùng với đó, tôi định hướng bản thân trở thành nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, đặc biệt nghiên cứu chuyên sâu về tài chính cá nhân (personal finance) và tài chính xanh (green finance). Những công trình nghiên cứu từ dự án sẽ được công bố trên các tạp chí uy tín hàng đầu. Trên con đường phát triển sự nghiệp, tôi ước mơ và phấn đấu từng bước để đi đến nấc thang cao nhất trong chức danh khoa học.
Việc tham gia vào chương trình VNU350 với nguồn tài trợ kinh phí và các chính sách hỗ trợ từ ĐHQG-HCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tôi hiện thực hóa hoài bão và kế hoạch của mình.
* TS Trương Ngọc Cường tốt nghiệp chuyên ngành Logistics tại ĐH Quốc gia Hàng hải và Hải dương Hàn Quốc
Khao khát trở về Việt Nam để cống hiến
Tôi luôn khao khát được trở về Việt Nam để nghiên cứu và đóng góp một phần sức lực vào việc phát triển và đổi mới của đất nước. Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc tại quốc gia phát triển logistics như Hàn Quốc, tôi lựa chọn tiếp tục sự nghiệp tại Trường ĐH Bách Khoa.
Tôi sẽ khai thác tối đa năng lực để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao, từ đó góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của ĐHQG-HCM.
Tôi tin rằng với cơ chế và chính sách đột phá, cùng sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo ĐHQG-HCM dành cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc thuộc chương trình VNU350, tôi sẽ có thể phát huy hết niềm đam mê nghiên cứu và năng lực của mình để tạo ra các giá trị mới, các sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống thực tiễn, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn của ĐHQG-HCM là trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á.
* TS Phạm Toàn Thắng – ngành Kỹ thuật Kiến Trúc, ĐH Sejong, Hàn Quốc
Mong muốn phát triển sự nghiệp tại ĐHQG-HCM
Tôi vốn có nguyện vọng được giảng dạy và phát triển sự nghiệp của mình tại TP.HCM. Tôi đã nghe đến Chương trình VNU350 từ một đồng nghiệp công tác tại Trường ĐH Bách Khoa. Từ đó tôi rất quan tâm và mong muốn trở thành giảng viên ngành Cơ Kỹ thuật của Nhà trường.
Được nhận công tác tại Trường ĐH Bách khoa, đây là một cơ hội để tôi tham gia, đóng góp cho ĐHQG-HCM.
* TS Lê Trung Hoàng – ngành Khoa học máy tính, ĐH Quản lý Singapore
ĐHQG-HCM đặt nền móng cho đam mê nghiên cứu
Tôi từng thực tập với vai trò trợ lý nghiên cứu tại Viện John von Neumann ĐHQG-HCM. Quá trình thực tập tại đây đã đặt nền móng cho niềm đam mê nghiên cứu của tôi trong những năm sau đó. Tôi rất đam mê nghiên cứu về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Tôi tự tin rằng chuyên môn của tôi về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cũng như nghiên cứu khoa học có thể giúp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nói riêng và ĐHQG-HCM phát triển và hướng tới hoàn thành mục tiêu của Chương trình VNU350.
* TS Trần Minh Tuấn – ngành Bệnh cây trồng, ĐH Wisconsin Madison, Hoa Kỳ
Đóng góp vào nghiên cứu mang tính liên ngành
Được nhận công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, tôi tin tưởng sẽ tạo ra kết quả tuyệt vời, đóng góp cho nghiên cứu mang tính liên ngành tại ĐHQG-HCM. Tôi mong muốn có cơ hội đóng góp chuyên môn cho cộng đồng nghiên cứu khoa học tại Việt Nam và tại ĐHQG-HCM.
Tôi sở hữu chuyên môn liên ngành cùng nhiều kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế và là một cố vấn cho sinh viên. Đây là hành trang tốt cho tôi khi nhận nhiệm vụ tại ĐHQG-HCM.
* TS Cao Thị Thuỳ Như – ngành Luật Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG-HCM
Sẽ nỗ lực phát triển bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp
Tôi được biết Chương trình VNU350 của ĐHQG-HCM nhằm mục đích thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác với những chính sách đãi ngộ phù hợp.
Với kinh nghiệm 10 năm công tác trong ngành giáo dục cùng với những kiến thức, kỹ năng nghiên cứu được hình thành trong quá trình đào tạo, tôi tin rằng mình sẽ đáp ứng được yêu cầu công việc sau khi được tuyển dụng.
Tôi hy vọng với năng lực, kinh nghiệm và tinh thần phấn đấu, tôi sẽ là một ứng viên thích hợp cho vị trí Giảng viên Luật theo Chương trình VNU350. Tôi sẽ nỗ lực phát triển bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, đóng góp vào mục tiêu nghiên cứu chung của đơn vị chuyên môn và nhà trường
* TS Phạm Ngọc Thanh – ngành Khoa học chính xác và Vật lý ứng dụng, Đại học OSAKA, Nhật Bản
Mong muốn được đào tạo cử nhân công nghệ vật liệu trong tương lai
Tôi tin rằng kinh nghiệm và kiến thức của mình sẽ là một nguồn lợi ích quý giá cho vị trí giảng viên Khoa học vật liệu và tôi rất mong được cơ hội tham gia và đóng góp vào cộng đồng học thuật tại Trường ĐH An Giang. Ngoài ra, tôi mong muốn được đào tạo cử nhân công nghệ vật liệu trong tương lai.
* TS Huỳnh Thị Bích Ngọc – Năng lượng và kỹ thuật Hóa học, ĐHQG Incheon, Hàn Quốc
ĐHQG-HCM sẽ là nơi để tôi phát triển tốt nhất
Tôi mong muốn mang những kiến thức đã học tập được tại nước ngoài về giảng dạy và phục vụ tại Việt Nam, góp phần phát triển nền khoa học kỹ thuật nước nhà. Điều này đã thôi thúc tôi ứng tuyển vào Chương trình VNU350 của ĐHQG-HCM.
Chương trình VNU350 của ĐHQG-HCM sẽ là điều kiện để tôi phát triển tốt nhất, mang lại những cải tiến, ứng dụng hữu ích cho con người. Tôi cho rằng trách nhiệm của chúng ta là cống hiến cuộc đời mình để tạo nên một tương lai tươi sáng hơn, một tương lai không chỉ của chúng ta, mà còn cho con cháu chúng ta. Chúng ta phải khiến chúng cảm thấy tự hào khi nhìn về quá khứ và trân trọng thế hệ cha ông của chúng đã vất vả như thế nào để tạo nên một thế giới tốt đẹp như ngày hôm nay.
NGƯỜI KHIẾN KỸ THUẬT Y SINH “XA LẠ” TRỞ NÊN THÂN THUỘC
GS Võ Văn Tới, nguyên trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), được biết đến là người đầu tiên đưa lĩnh vực kỹ thuật y sinh về Việt Nam.
Sau đúng 10 năm trở về Việt Nam làm việc, chia sẻ với Tuổi Trẻ, GS VÕ VĂN TỚI cho biết: “Trước khi tôi về nước, ngành kỹ thuật y sinh hầu như không được biết đến. Nhưng nay tên gọi của nó đã trở nên quen thuộc trong xã hội. Nhiều trường đại học cũng đã mở ngành này và cộng đồng học thuật nước ngoài cũng biết đến kỹ thuật y sinh của Việt Nam”.
VỀ NƯỚC VÌ “SINH VIÊN VIỆT NAM THẤT BẠI”
* Từng được Tổng thống Mỹ G. Bush chọn làm Giám đốc điều hành Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) năm 2007, vì sao năm 2009 ông bất ngờ quyết định về nước, đầu quân cho Trường Đại học Quốc tế?
– GS Võ Văn Tới: Một trong những chủ trương của VEF là đưa sinh viên đi du học ở các trường đại học danh tiếng Mỹ. Đó là việc làm rất tốt, tuy nhiên điều quan trọng hơn với tôi là làm sao đưa được người thành tài trở về để góp phần xây dựng đất nước mình. Trong khi không nhiều người quay về và không ít người trở về rồi lại bỏ ra đi. Do đó, tôi muốn tự trải nghiệm để tìm hiểu.
Trước khi quay về, nhờ đi lại Việt Nam nhiều lần và tiếp xúc với nhiều người trong giới hàn lâm tôi đã học hỏi được rất nhiều về giới trẻ Việt và môi trường làm việc. Tôi nhận thấy có rất nhiều thách thức nhưng cũng có nhiều cơ hội để thành công hay ít ra là có cơ hội để thực hiện hoài bão mình từng ôm ấp.
Hành trang của tôi là “tùy cơ ứng biến” và “có ra sao cũng chẳng sao”. Và tôi đã chọn Trường ĐH Quốc tế làm “bến đỗ”. Từ đó, với tôi mỗi ngày trôi qua là một ngày vui.
* Ông đã sáng lập chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật y sinh tại Đại học Tufts (Mỹ) và từng được vinh danh nhiều lần trên đất Mỹ với hàng loạt công trình sáng chế về y sinh. Vì sao ông muốn đưa lĩnh vực mới mẻ này về Việt Nam?
– Trước khi về nước vào năm 2004, tôi hướng dẫn một phái đoàn các giáo sư về kỹ thuật y sinh của Hoa Kỳ đi từ Bắc vào Nam để tìm hiểu khả năng phát triển ngành này tại Việt Nam. Ngành kỹ thuật y sinh khi đó cũng còn khá mới ở nước ngoài nhưng phát triển mạnh và có rất nhiều tiềm năng.
Chúng tôi khám phá ra ở Việt Nam có nhiều hoạt động liên quan đến kỹ thuật y sinh, chỉ có điều nó chưa được hệ thống hóa và chưa được đại chúng hóa. Mặt khác, tôi nhận thấy, đây là một ngành đáp ứng được rất nhiều nhu cầu cấp bách cũng như tương lai cho đất nước mình. Sau chuyến đi này, phái đoàn của chúng tôi đã đưa ra một kế hoạch 5 năm nhằm giúp phát triển ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam.
* Ông đã đưa kỹ thuật y sinh vào Việt Nam như thế nào?
– Đầu tiên tôi đã đưa bốn sinh viên sang ĐH Tufts, nơi tôi đang dạy để đào tạo họ trong chương trình tiến sĩ với mong ước họ sẽ trở thành những đầu tàu cho kỹ thuật y sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó các sinh viên này lần lượt bị loại ra khỏi chương trình vì không đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu khoa học. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên vì các sinh viên Việt Nam khác rất thành công trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác.
Tôi cho rằng có lẽ tư duy của người học ngành này không phù hợp với tư duy của những sinh viên được đào tạo ở Việt Nam. Đây cũng là một lý do thúc đẩy tôi trở về Việt Nam.
Hiện tại nhiều sinh viên của chúng tôi tốt nghiệp đã được học bổng sau đại học ngành này của nhiều trường trên thế giới, trong đó có Trường Tufts đều rất thành công. Điều này cho thấy giới trẻ của chúng ta, khi được chuẩn bị đàng hoàng, có thể làm được tất cả những gì mình muốn. Tôi mong các em sẽ trở về để tiếp nối con đường mà chúng ta đã cùng vạch ra.
Ngoài ra, các giảng viên trẻ cũng như sinh viên của chúng tôi đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Điều này cho thấy giới trẻ Việt Nam là lực lượng hùng mạnh giúp chúng ta cùng sánh vai với các bạn bè năm châu trong tinh thần hội nhập quốc tế.
ĐẠI HỌC PHẢI LÀ VƯỜN ƯƠM Ý TƯỞNG SÁNG TẠO
* Làm việc trong môi trường đại học ở Việt Nam, giáo sư thấy khác biệt nào so với các nước? Ông từng cho rằng những người làm giáo dục phải thấy trước những gì sẽ xảy ra để tạo ra nhu cầu. Theo ông giáo dục Việt Nam đã làm được điều này chưa?
– Môi trường hàn lâm phải là vườn ươm ý tưởng sáng tạo và lò đào tạo nhân tài. Do đó các đại học cần có tự do học thuật để thử nghiệm những ý tưởng mới. Ở các đại học nước ngoài mà tôi biết, nhà trường tự quyết định cho đường hướng phát triển của mình, giảng viên có rất nhiều quyền hạn thực thi sáng kiến từ việc tạo ra ngành mới lẫn nghiên cứu và các quản lý chủ yếu phục vụ thay vì chỉ huy. Khi những sáng kiến đó thành công nó sẽ tự động được nhân rộng ra ngoài phạm vi của trường.
* Trong 10 năm qua, ngoài đào tạo ông và cộng sự đã nghiên cứu ra hàng loạt sản phẩm Được biết sắp tới ông sẽ đưa các sản phẩm nghiên cứu hàn lâm ra thị trường. Đây có phải là lối ra riêng cho nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, thưa giáo sư?
– Tôi gọi việc đưa các sản phẩm nghiên cứu hàn lâm ra ngoài thị trường là “kinh thầu” dịch từ chữ tiếng Anh Entrepreneurship (có nghĩa là Người thầu khoán). Trong môi trường khoa học, người làm kinh thầu lý tưởng là người biết biến những khám phá khoa học trong phòng thí nghiệm thành những sản phẩm trên thị trường.
Tương tự như người thầu khoán, người làm kinh thầu phải có những kiến thức khoa học, kỹ thuật cũng như phương pháp nghiên cứu thị trường, thành lập công ty khởi nghiệp và kỹ năng tổ chức, kinh doanh…
Tầm nhìn của bộ môn kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế ngay từ khi thành lập là sự kết hợp giữa giáo dục, nghiên cứu và kinh thầu. Giáo dục để đào tạo nhân sự, nghiên cứu để phát triển tri thức và kinh thầu để tự lực cánh sinh. Ba yếu tố này hỗ trợ cho nhau và làm thành vết dầu loang cũng như giúp xóa đi biên giới giữa phạm vi cơ bản và ứng dụng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Link bài gốc: https://tuoitre.vn/gs-vo-van-toi-ve-nuoc-vi-sinh-vien-viet-nam-that-bai-20190514003212027.htm
VIỆT NAM – LỰA CHỌN SỐ 1
Dù con đường nghiên cứu khoa học ở nước ngoài rất thuận lợi song PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài chưa bao giờ nghĩ sẽ không trở về Việt Nam.
Chủ nhân giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023 tâm sự lựa chọn của chị luôn là Việt Nam. “Mỗi người có một con đường nhưng hướng đi của tôi là mang những gì đã học được trở về phục vụ đất nước” – PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài khẳng định.
PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài (người ngồi) vừa đoạt Giải thưởng L’Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm – Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM) thừa nhận chị đam mê sinh học từ nhỏ. Sự kỳ diệu trong suy nghĩ của con người đã không ngừng cuốn hút chị. TS Thu Hoài bày tỏ: "Tôi muốn đi tìm câu trả lời tại sao con người suy nghĩ, tính toán được mà sinh vật khác lại không".
Nhà khoa học sinh năm 1981 cho hay từ bé chị đã mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh dù gia đình không ai theo ngành y. Lên cấp 3, chị chọn lớp chuyên sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương.
Năm lớp 11, Thu Hoài đoạt giải ba học sinh giỏi quốc gia lớp 12. Năm sau, chị nhận giải nhì quốc gia và là 1 trong 4 học sinh dự thi Olympic sinh học quốc tế tại Thụy Điển. Với bằng khen của ban tổ chức kỳ thi đầy cạnh tranh này, chị được tuyển thẳng vào chương trình cử nhân khoa học tài năng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.
"Tôi từng mơ làm bác sĩ ngoại thần kinh nhưng khi học đại học thì lại bị miễn dịch học mê hoặc" – Thu Hoài thổ lộ – "Tôi chọn hóa sinh vì chuyên ngành này có tính ứng dụng cao, hơn nữa là do yêu thích môn miễn dịch học".
Tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội, Thu Hoài sang Đức học tiến sĩ tại Khoa Y – ĐH Greifswald. Năm năm sau, với đề tài "Đáp ứng kháng thể với sự gây nhiễm nhân tạo tụ cầu vàng", chị nhận bằng tiến sĩ ở tuổi 27.
Thu Hoài thừa nhận con đường nghiên cứu khoa học của chị gặp không ít may mắn và thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội làm việc ở các nước phát triển. Tuy nhiên, chị khẳng định chưa bao giờ có ý nghĩ ở lại Đức hay bất kỳ quốc gia nào khác mà luôn muốn quay về Việt Nam làm việc và cống hiến.
Từ Đức về, Thu Hoài quay lại phòng thí nghiệm y sinh của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau đó, chị tới Viện Sức khỏe Đài Loan – Trung Quốc học hỏi một thời gian rồi đến Bỉ 2 năm tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.
Năm 2011, Thu Hoài quyết định dừng chân ở Khoa Công nghệ sinh học – Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP HCM). Hiện chị là trưởng nhóm nghiên cứu vi sinh y học của khoa. Hướng nghiên cứu của chị là về cơ chế kháng thuốc, độc lực vi khuẩn; hợp chất kháng khuẩn; ung thư và hệ miễn dịch.
Thu Hoài nhớ lại: "Lúc đầu, tôi chỉ định vào TP HCM một thời gian cho biết nhưng rồi thấy rất thích vì thời tiết dễ chịu, con người cởi mở. Ở đó, tôi có đồng nghiệp giỏi giang, thân thiện; có môi trường làm việc tuyệt vời và lương tốt, dù điều kiện nghiên cứu chưa được thuận lợi do khó khăn chung".
Theo Thu Hoài, trong điều kiện hiện nay, muốn nghiên cứu đỉnh cao cũng không dễ vì còn thiếu công nghệ. Đến giờ, chị vẫn chưa có phòng thí nghiệm riêng, phải sử dụng phòng thí nghiệm chung. Chị cho biết: "Tôi phải khắc phục bằng cách nhờ vả, đi nước ngoài làm thí nghiệm. Mỗi năm, tôi sống vài tuần ở nước ngoài để thực hiện các nghiên cứu của mình. Rất may là nhà trường tạo điều kiện, hỗ trợ chúng tôi rất nhiều".
15 năm theo đuổi nghiên cứu hệ protein (proteomics) và kháng thuốc, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hoài vừa được trao giải thưởng L'Oréal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học năm 2023.
Nghiên cứu của Thu Hoài thời gian qua hướng đến việc phát triển những xét nghiệm mới để phát hiện nhanh sự hiện diện của các gien kháng kháng sinh ngay trên mẫu lâm sàng, hỗ trợ tốt hơn cho y – bác sĩ trong chẩn đoán kháng thuốc, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Kháng kháng sinh hiện được xem là vấn đề y tế nghiêm trọng. Nếu không có sự can thiệp hiệu quả thì ước tính đến năm 2050, kháng kháng sinh sẽ gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm.
Theo Thu Hoài, một trong những giải pháp giúp kéo giảm kháng kháng sinh là phát triển các phương pháp chẩn đoán nhanh, kịp thời, chính xác tình trạng này để hỗ trợ việc đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Ngoài ra, cần có biện pháp cách ly, giảm lây lan các chủng đa kháng, toàn kháng.
Nghiên cứu đoạt giải thưởng L'Oréal – UNESCO của Thu Hoài là "Phát triển quy trình phát hiện gien kháng kháng sinh (ARG) của trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa (P.a) trực tiếp từ các mẫu lâm sàng bằng kỹ thuật PCR giọt kỹ thuật số". P.a là loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng. Trong một số báo cáo, nó là nguyên nhân số 1 gây ra viêm phổi và suy hô hấp.
P.a còn là 1 trong 6 nhóm/loài trong danh sách ESKAPE của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có thể đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng do khả năng đa kháng thuốc. Khả năng này đến từ nhiều gien khác nhau, trong đó một số có tính quyết định nổi trội tới việc kháng những loại thuốc quan trọng trong điều trị.
Nghiên cứu của Thu Hoài áp dụng PCR giọt kỹ thuật số, là công nghệ khuếch đại axít nucleic mới được phát triển. Đây là công nghệ có độ nhạy, chính xác, tái lập cao; có khả năng định lượng ngay cả ở nồng độ rất thấp và hoạt động tốt với các mẫu bệnh phẩm. Vì là công nghệ mới, do chưa có kinh phí mua máy móc nên chị dùng nguồn lực đối tác để thực hiện nghiên cứu.
Quy trình và phương thức chẩn đoán kháng thuốc đã được Thu Hoài nghiên cứu từ khi sang Trường ĐH Công giáo Louvain – Bỉ học hỏi năm 2010. Sau này, chị tiếp tục nghiên cứu về cơ chế kháng thuốc tại Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ vào năm 2020. Mỗi năm, chị đều cố gắng dành thời gian tìm tòi, học hỏi tại các nước phát triển để hoàn thiện nghiên cứu và bắt kịp công nghệ.
Đề cập về hướng nghiên cứu trong tương lai, Thu Hoài kỳ vọng ngoài việc ứng dụng, chị còn có thể phối hợp với các đối tác để cải tiến, thậm chí xây dựng được công nghệ mới. "Kế hoạch ngắn hạn là tiếp tục những nghiên cứu cơ bản như tôi vẫn làm, đồng thời tiến hành song song các nghiên cứu ứng dụng. Bởi lẽ, ứng dụng được kết quả khoa học vào cuộc sống chính là đích tới của mọi nhà khoa học" – chị nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Người Lao động
Link bài gốc: https://nld.com.vn/viet-nam-lua-chon-so-1-196240206095500521.htm?fbclid=IwAR0BiSp-3H0qY6c_VKFzaeafD66lRyc7EJaKz9iLXrmnFSZaQzTFGXi-uKk
NỮ GIÁO SƯ HÓA HỌC TỪ “THÍCH ĂN MÌ TÔM” ĐẾN ĐẠT GIẢI THƯỞNG KOVALEVSKAIA DANH GIÁ
Ngày 16/5, tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu ĐHQG-HCM đã vinh dự được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2021 dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực của cuộc sống.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai (áo dài đỏ) được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia.
Giải thưởng là động lực lớn
Vào năm 1992 khi chọn trường thi đại học, nữ sinh Thanh Mai hồi ấy vẫn chưa nghĩ rằng sau này mình sẽ trở thành một giảng viên, một nhà khoa học như bây giờ. Bà chỉ nhớ là mình rất “thích ăn mì tôm”, và có mong muốn giản dị rằng sau này mình sẽ làm việc trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nên đã thi vào ngành Hóa học của Trường ĐH Tổng Hợp, nay là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM.
Để rồi càng học, GS Thanh Mai càng yêu thích lĩnh vực hóa học, nhất là chuyên ngành Hóa phân tích nên đã đi sâu nghiên cứu. Đến nay bà đã phát hiện hàng trăm hợp chất có cấu trúc mới với các tác dụng sinh học khác nhau từ dược liệu; đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài NCKH các cấp: 10 đề tài cấp Bộ (7 đề tài cấp ĐHQG-HCM và 3 đề tài Nafosted), 4 đề tài cấp Tỉnh; công bố 135 bài báo khoa học, trong đó có 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế và 66 bài báo quốc gia. Đồng thời, bà cũng đã xuất bản các sách chuyên khảo, giáo trình, có 2 sáng chế được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký và là trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh thuộc Chương trình nghiên cứu Hóa Dược của ĐHQG-HCM năm 2020.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ: “Thật sự khi nhận tin được xét tặng giải thưởng Kovalevskaia, tôi rất xúc động vì những gì mình cố gắng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời gian qua đã được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam năm 2021 công nhận. Ban đầu tôi cũng không tự tin nộp hồ sơ lắm vì đây là giải thưởng cao quý dành cho các nhà khoa học nữ, nhưng nhờ sự động viên của các đồng nghiệp nên đến giờ cuối tôi mới quyết định làm hồ sơ. Đây là động lực rất lớn để tôi tiếp tục cho sự nghiệp giáo dục và làm khoa học của mình”.
Nghiên cứu hợp chất chống ung thư và trị bệnh viêm khớp
Là người say mê tìm kiếm, nghiên cứu các dược liệu, Giáo sư Thanh Mai đã phối hợp với ĐH Toyama, Nhật Bản nghiên cứu tìm kiếm các dược liệu và hoạt chất có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy trong môi trường thiếu dưỡng chất. Từ chương trình, nhóm nghiên cứu của bà đã phát hiện nhiều hoạt chất có cấu trúc mới, trên thế giới chưa từng có. Đặc biệt hoạt chất từ củ Ngải bún, trồng ở An Giang có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy rất mạnh. “Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã phát hiện 21 hợp chất mới và 36 hoạt chất có tác dụng chống ung thư tụy mạnh. Từ đó, chúng tôi đã nghiên cứu chiết xuất và điều chế thành công sản phẩm nano có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư đường tiêu hóa” – GS Thanh Mai say sưa nói.
Ngoài ra, nữ khoa học gia quê Quảng Ngãi này còn nghiên cứu về các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp. Nhóm nghiên cứu của bà đã điều chế ra sản phẩm nano từ cây Cà gai leo có tác dụng chống viêm khớp, giảm đau; nghiên cứu về công nghệ chiết xuất nọc ong mật và đánh giá tác dụng chống viêm khớp trên động vật thực nghiệm.
Kết quả nghiên cứu của GS Thanh Mai và nhóm đã cung cấp những minh chứng khoa học trong việc sử dụng dược liệu điều trị bệnh. Bà cho biết: “Các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe đang trong quá trình nghiên cứu để thương mại hóa cũng như tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để phát triển ra thuốc điều trị bệnh”. Đây cũng là điều GS Mai mong muốn nhất sau những công trình nghiên cứu cơ bản của mình.
“Thấy cô Mai là thấy yên tâm…”
Ngoài nghiên cứu khoa học, GS Thanh Mai còn đảm nhận công tác quản lý, từ tháng 1/2022, nữ Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu. Đồng thời, cũng như những bậc làm cha mẹ khác, hằng ngày, nhà lãnh đạo nữ 48 tuổi này vẫn có nhiệm vụ đón con và làm các công việc nội trợ. Bà cho biết, nhiệm vụ mới khiến bà rất bận rộn vì phải làm quen với nhiều công tác mới, nhưng nhờ trong suốt 15 năm qua, bà đã xây dựng được nhóm nghiên cứu chuyên nghiệp nên dù bận rộn, GS Mai vẫn dành thời gian theo dõi các hoạt động nghiên cứu, đồng thời tận dụng tối đa các kênh liên hệ trực tuyến để thảo luận các vấn đề phát sinh trong nghiên cứu của nhóm. Do vậy, nhóm nghiên cứu của bà vẫn luôn hoàn thành các kế hoạch nghiên cứu đã đề ra.
Để có thể cân bằng được nhiều nhiệm vụ cùng lúc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu chia sẻ: “Thật sự làm lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự chuyên tâm, sâu sát và làm hết trách nhiệm của mình. Với sự thay đổi và phát triển nhanh chóng hiện nay của xã hội, đòi hỏi cả 2 công việc: nghiên cứu và quản lý cũng phải thay đổi và phát triển. Tuy nhiên, đối với tôi, công tác NCKH là chuyên môn được đào tạo bài bản trong nhiều năm, trong khi công tác quản lý lại khá rộng, phải vừa làm vừa học, vừa tích lũy kinh nghiệm và mất nhiều thời gian hơn. Tôi may mắn là có những đồng nghiệp luôn đồng lòng, chung tay để có thể cân bằng cả 2 công việc và đạt hiệu quả cao”.
TS Phan Thị Anh Đào – Giảng viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật nói: “Cô Mai là người đã hướng dẫn luận án Tiến sĩ cho tôi. Cô rất nhiệt tình, quan tâm tới học trò. Trong công việc, cô quyết đoán và giải quyết công việc rõ ràng, hiệu quả và rất nhanh. Tôi nhớ, trong quá trình làm luận án, tôi gặp một số khó khăn, nhiều lúc thấy bi quan và không biết sẽ làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, khi tôi trao đổi với cô, cách giải quyết và hướng dẫn của cô không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn giúp tôi lạc quan hơn. Điều đặc biệt, tôi đã lĩnh hội được điều này để sau khi tốt nghiệp, tôi trở về với sinh viên của mình và truyền được tinh thần đó”.
Cùng cảm nhận với TS Anh Đào, ThS Lê Hữu Thọ – Giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH KHTN hào hứng khi nói về người cô của mình: “Thật ra với một sinh viên bất kỳ nào đã từng theo học và được cô Mai hướng dẫn sẽ thật sự rất tự hào vì cô quá tuyệt vời. Với tôi cũng vậy, cô như là một “guru” (bậc Thầy) vĩ đại vì đã cho tôi khám phá kiến thức rộng lớn về Hóa dược, cho tôi thỏa sức sáng tạo, chỉ tôi cách nuôi dưỡng đam mê, tự bứt phá, phát triển và hoàn thiện bản thân”.
“Cô Mai là một người rất công bằng. Đúng là đúng, mà sai là sai. Nhưng nếu sai thì Cô sẽ chỉ ra, định hướng và tìm cách khắc phục cùng chứ không bao giờ bỏ rơi bạn. Nếu bạn thiếu niềm tin: gặp cô Mai. Nếu bạn thiếu động lực: gặp cô Mai. Nếu bạn bí về tính mới: gặp cô Mai. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, mặc dù không phải chuyên môn của cô, cũng hãy gặp cô Mai. Cô sẽ cho bạn một điểm tựa, bạn sẽ đi xa hơn bạn tưởng. Nói chung, thấy cô Mai ở Khoa là chúng tôi yên tâm về mọi mặt” – ThS Lê Hữu Thọ khẳng định.
Nguồn: ĐHQG-HCM
Link bài gốc: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32343364/nu-giao-su-hoa-hoc-tu-thich-an-mi-tom-den-dat-giai-thuong-kovalevskaia-danh-gia/343430393364.html
NGƯỜI GIÚP THẾ GIỚI HIỂU VỀ VĂN HÓA VIỆT
Có nhiều năm được mời nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt ở nước ngoài, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ cho biết nhờ đó mà mình nhìn ra chiều kích quan trọng của văn hoá Việt. “Người Việt đã thức dậy” PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ (44 tuổi, Trưởng khoa Văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn-ĐH Quốc gia TP.HCM) bắt đầu nghiên cứu về văn hóa Việt ở độ tuổi còn rất trẻ và hội đủ nhiều yếu tố để được một số trường, viện nước ngoài mời đến nghiên cứu và giảng dạy. Tiến sĩ Thơ thông thạo 2 ngoại ngữ, có 2 bằng cử nhân Trung Quốc học và ngữ văn Anh, bằng tiến sĩ văn hóa học, từng được Viện Harvard-Yenching cấp học bổng nghiên cứu chuyên sâu, có nhiều công bố quốc tế, đạt học hàm phó giáo sư năm 39 tuổi.PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ với giáo sư Lauren Meeker, ĐH New York at New Paltz
Từ năm 2017-2021, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ liên tục được 3 trường ĐH ở Mỹ mời sang nghiên cứu và được bố trí trình bày kết quả nghiên cứu về văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Á và Đông Nam Á ở ĐH Harvard, ĐH Boston và ĐH Brandeis. Trong thời gian này, ông còn được mời đến trình bày công trình nghiên cứu tại ĐH Cornell và ĐH California ở Los Angeles. Trước đó, PGS Thơ thường xuyên được một số trường, viện ở Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan mời đến thuyết trình hoặc giảng dạy về văn hóa Việt Nam.
Theo PGS-TS Thơ, ở các nước Đông Á, Âu, Mỹ có một số khoa, trung tâm ở trường ĐH mở bộ môn tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, có hẳn tạp chí Việt Nam học danh giá. Hiện tại, Việt Nam đang phát triển kinh tế với tốc độ cao, hội nhập mạnh mẽ sau đổi mới, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tăng mạnh. Nhiều nhà khoa học quốc tế coi mô hình phát triển của Việt Nam khá thành công nên muốn nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ những chuyển đổi trong đất nước-con người Việt Nam.
PGS-TS Thơ kể câu chuyện gây xúc động: “Nhiều năm trước tôi đến Bangkok nhìn thấy một tấm áp-phích lớn giữa thành phố viết bằng chữ Thái nhưng có hình ảnh một cô gái Việt Nam mặc áo dài. Ngạc nhiên tôi hỏi đồng nghiệp Thái Lan mới biết đó là lời nhắc nhở của họ, đại khái là: hôm qua người Việt Nam còn ngủ, hôm nay họ đã thức dậy và chuẩn bị tăng tốc. Người Thái Lan phải biết tự làm gì!”.
Tìm ra chiều sâu văn hóa Việt
Khi qua Mỹ, PGS Thơ tìm được rất nhiều tài liệu, nguồn sách ít có trong nước viết về Việt Nam thời kỳ hội nhập, mở ra độ sâu quan hệ giữa Việt Nam với khu vực và thế giới.
"Trước khi có những chuyến đi ra nước ngoài nghiên cứu hay giảng dạy, tôi đặt cho mình nhiều câu hỏi về bản sắc, linh hồn văn hóa Việt Nam là gì. Cái gì là khác biệt của Việt Nam với khu vực và thế giới? Bản sắc văn hóa có thể được thể hiện ra ở các mặt ẩm thực, trang phục, lễ nghi, hành vi tôn giáo, văn hóa giao tiếp…, song đằng sau và bên trên đó phải là chiều sâu tư duy, trí tuệ. Khi bước ra thế giới rồi, tôi mới nhận thức rõ hơn rằng chúng ta chưa nên vội vã nhận định những cái hay, cái đẹp thể hiện qua từng bình diện cụ thể ấy là bản sắc", PGS-TS Thơ đau đáu nhớ lại.
Sau nhiều năm nghiên cứu, câu trả lời đã được thầy Thơ tìm ra. PGS-TS Thơ tâm đắc: "Cái hay và đẹp của bản sắc Việt Nam chính là chiều sâu tâm thức văn hóa cộng đồng gắn với môi trường làng xã nông nghiệp lúa nước truyền thống của dân tộc, dù ở Bắc bộ, Nam bộ hay bất cứ đâu. Một người Việt từ trước khi trưởng thành, đảm nhận một vị trí xã hội hay đi bất cứ đâu, điều đầu tiên anh ta cảm thụ được chính là truyền thống văn hóa gia đình, làng xã, khu phố nơi anh ta sống. Ở đó có những mối quan hệ con người với con người rất chặt chẽ, sinh động, và là nơi hun đúc nên nền tảng tính cách văn hóa anh ta".
Bên cạnh đó, từ bao đời nay người Việt luôn biết cách thỏa hiệp cộng đồng, nối thông và vượt qua sự khác biệt nếu có, xây dựng những phong tục tập quán, hương ước được cả cộng đồng chấp nhận. Chiều sâu tư duy, trí tuệ và bản sắc văn hóa Việt Nam một phần nằm ở đó, ở bức “trường thành” giúp dân tộc ta trụ vững sau ngàn năm Bắc thuộc, sau nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc xuyên suốt lịch sử.
Chính những câu hỏi về văn hóa Việt Nam và góc nhìn của người Mỹ, người châu Âu, người Đông Á trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài, đã khiến cho PGS-TS Thơ có góc nhìn biện chứng hơn, gợi mở hơn, nhận diện thế mạnh và chiều sâu của văn hóa Việt trong bức tranh tổng thể, thay vì loay hoay đi tìm câu trả lời chủ quan của người trong cuộc.
"Nhiều cái mình có thì khu vực và thế giới cũng có, chẳng hạn lòng yêu nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, tinh thần lá lành đùm lá rách, tinh thần yêu chuộng hòa bình… Chưa kể quá trình giao lưu, giao thoa văn hóa trong lịch sử là hết sức phổ biến. Song thế giới vẫn hết sức ca ngợi trí tuệ và tài năng Việt Nam thể hiện qua quá trình thâu nhận tinh hoa văn hóa từ bên ngoài và biến đổi cho thích ứng với nhân sinh quan dân tộc. Đó mới thực chất là thế mạnh khi chúng ta hội nhập với thế giới", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ chia sẻ.
Nguồn: Báo Thanh niên
Link bài gốc: https://thanhnien.vn/nguoi-giup-the-gioi-hieu-ve-van-hoa-viet-1851543803.htm
“CON ĐƯỜNG ĐANG ĐI CHO TÔI NHIỀU TRẢI NGHIỆM TUYỆT VỜI”
Nhiều cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế, song, Tiến sĩ Lê Thanh Long chọn trở về nước công tác.
Từ chàng sinh viên đến tân Phó Giáo sư trẻ tuổi của Bách khoa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Long (sinh năm 1988, quê ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), hiện đang là giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Anh vừa được công nhận đạt chức danh Phó Giáo sư ở tuổi 35, là một trong những phó giáo sư trẻ tuổi của trường.
“Một hành trình dài và đầy ắp kỷ niệm đáng nhớ” – Đó là những dòng cảm nhận của tân Phó Giáo sư Lê Thanh Long khi nói về hành trình từ sinh viên đến khi trở thành giảng viên tại chính ngôi trường mình đã theo học.
Thầy Lê Thanh Long (áo đen, ở giữa) chụp hình lưu niệm cùng gia đình, đồng nghiệp tại Lễ vinh danh và bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2023, Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)
Được biết, thầy Long từng là sinh viên ngành Kỹ thuật cơ khí của Trường Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Những trải nghiệm quý báu từ thời sinh viên, dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo giỏi và tâm huyết đã dần nhen nhóm ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho vị giảng viên trẻ.
“Dấu ấn đầu tiên vun đắp đam mê nghiên cứu khoa học trong tôi đó là đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.
Lần đầu tiên đối mặt với thử thách, tự tìm tòi, nghiên cứu, đôi khi cảm thấy nản vì nhiều kiến thức mình chưa được tiếp cận, không biết giải quyết vấn đề như thế nào…nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình và động viên kịp thời của giảng viên hướng dẫn của tôi lúc đó là PGS.TS. Đặng Văn Nghìn đã giúp tôi hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Kể từ đây, niềm hứng thú với việc nghiên cứu khoa học bắt đầu được vun đắp trong chàng sinh viên trẻ khi ấy. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp loại giỏi với thành tích huy chương bạc của khóa, thầy Long đã nộp học bổng để làm nghiên cứu sinh tại Khoa Cơ khí, Trường Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (National Central University (NCU), Taiwan).
Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2016, thầy Long tiếp tục có một khoảng thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ cũng tại NCU để tích lũy thêm kinh nghiệm nghiên cứu.
Đầu năm 2017, chàng Tiến sĩ trẻ quyết định trở về nước và chọn ngôi trường gắn bó với mình từ thời sinh viên để công tác – tiếp tục theo đuổi con đường học thuật với cương vị là một giảng viên đại học.
Trải lòng về quyết định trở về nước của mình, vị giảng viên trẻ chia sẻ, càng vượt qua được những khó khăn, thách thức trong nghiên cứu càng làm cho anh đam mê nghiên cứu khoa học hơn; với mong muốn rằng những công trình nghiên cứu sẽ giải quyết được các vấn đề cấp bách của xã hội và có tính ứng dụng thực tế cao.
“Tôi quyết định trở thành một giảng viên đại học vì môi trường đại học sẽ giúp tôi tiếp tục duy trì đam mê nghiên cứu khoa học, mặt khác, tôi có thể truyền đạt kiến thức, truyền lửa đam mê nghiên cứu cho các bạn sinh viên, và sau này các bạn trẻ, thế hệ sau sẽ chung tay đóng góp phát triển đất nước”, thầy Long cho hay.
Tinh thần tuổi trẻ nhiệt huyết, tận tâm trên mọi cương vị
Các hướng nghiên cứu chính hiện nay của tân Phó Giáo sư trẻ tập trung vào ứng dụng tính toán động lực học chất lưu trong lĩnh vực vi cơ chất lỏng và các phương tiện tự hành; Thiết kế, chế tạo các thiết bị Cơ khí, tự động hóa, robot có ứng dụng công nghệ AI, IoT.
“Những hướng nghiên cứu của tôi bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Tôi duy trì nghiên cứu cơ bản để có thể kết nối, trao đổi học thuật với các đồng nghiệp quốc tế, tăng khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó, có những công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Ngoài ra, tôi cũng rất quan tâm đến nghiên cứu ứng dụng vì có thể triển khai ngay để giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long chia sẻ thêm.
Phó Giáo sư trẻ cho rằng, cả hai lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đều có vai trò quan trọng. Điểm khác nhau là nghiên cứu cơ bản có độ trễ, cần có thời gian để ứng dụng vào thực tế.
“Nghiên cứu cơ bản là đầu tư cho tương lai, sẽ góp phần nâng cao vị thế khoa học công nghệ của một quốc gia. Còn nghiên cứu ứng dụng có thể có thể áp dụng ngay kết quả nghiên cứu vào phục vụ lợi ích của con người và xã hội. Cho nên, phần đông người trong xã hội sẽ cần những nghiên cứu ứng dụng hơn”, Phó Giáo sư Lê Thanh Long nhấn mạnh.
Nói về các nghiên cứu của mình, thầy Long cho biết hiện bản thân đang duy trì cả 2 hoạt động nghiên cứu, trong đó hoạt động nghiên cứu ứng dụng chiếm tỉ trọng nhiều hơn. Phó Giáo sư Lê Thanh Long và nhóm nghiên cứu của mình hiện đang tập trung phát triển các thiết bị Cơ khí – Tự động hóa, những robot có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), chuyển đổi số… để giúp giải quyết các vấn đề trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thành phố thông minh và thực tiễn sản xuất…
Thực tế, thời gian qua, vị Phó Giáo sư trẻ đến từ Quảng Ngãi và các cộng sự cũng đã có nhiều sáng kiến được chế tạo thành công và đi vào thực tiễn, giúp ích rất lớn cho cộng đồng như Buồng phun dịch khử khuẩn đa năng, Hệ thống check-in IoT Bách khoa, Phòng áp lực âm, Máy lọc nước thông minh…
Chia sẻ về sản phẩm tâm đắc nhất, Phó Giáo sư Lê Thanh Long cho biết đó là Phòng áp lực âm. Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến” thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh duyệt năm 2020.
Theo thầy Long, sản phẩm là một phần trong giải pháp tổng thể của nhóm nghiên cứu dùng để cách ly, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vị giảng viên trẻ và nhóm nghiên cứu của mình đã thực hiện đề tài này trong giai đoạn cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19.
“Mặc dù vấn đề giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu của nhóm, có thời điểm các thành viên không được đi lại, phải họp trực tuyến…nhưng sau tất cả, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã nỗ lực nghiên cứu, phối hợp với nhau để hoàn chỉnh sản phẩm Phòng áp lực âm và đã được Hội đồng nghiệm thu trong năm 2023.
Sản phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và nâng cao nhận thức cộng đồng”, vị Phó Giáo sư trẻ chia sẻ niềm tự hào về sản phẩm nghiên cứu của mình và các cộng sự.
Ngoài vai trò là một giảng viên, nhà nghiên cứu, Phó Giáo sư Lê Thanh Long còn tham gia hoạt động đoàn với vai trò là Bí thư Đoàn thanh niên Khoa Cơ khí, Uỷ viên Ban chấp hành Đoàn thanh niên trường Đại học Bách khoa – Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2017 – 2022, Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 10 nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Bách khoa…
Vị giảng viên chia sẻ, hoạt động đoàn thể giúp bản thân năng động và hoạt bát hơn. Đồng hành với sinh viên, giảng viên trong các hoạt động xã hội, các cuộc thi học thuật, các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giúp thầy Long có cơ hội được trao đổi, hợp tác, tăng cường tư duy phản biện và có nhiều ý tưởng mới phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học.
“Chúng tôi đồng hành cùng nhau, có những đóng góp cho nhà trường và xã hội”, thầy Long tâm sự với tình thần tràn đầy nhiệt huyết.
Với những hoạt động miệt mài của mình trên nhiều cương vị như vậy, Phó Giáo sư Lê Thanh Long gửi niềm mong mỏi tới các bạn sinh viên, thanh niên, cán bộ trẻ, luôn thể hiện tinh thần nhiệt huyết, đam mê, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước.
Trên cương vị là một tân Phó Giáo sư trẻ tuổi của Bách khoa, thầy Lê Thanh Long khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để có nhiều đóng góp hơn trong tương lai, xứng đáng với những kỳ vọng mà nhà trường và xã hội mong đợi.
“Tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát triển những hướng nghiên cứu của bản thân, mở rộng nhóm nghiên cứu mạnh, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề cấp bách mà xã hội đang cần, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, tân Phó Giáo sư trẻ bày tỏ.
Nguồn: Báo Giáo dục
Link bài gốc: https://giaoduc.net.vn/pgs-ts-le-thanh-long-con-duong-dang-di-cho-toi-nhieu-trai-nghiem-tuyet-voi-post240471.gd
KHÁT VỌNG NGHIÊN CỨU CỦA HAI NHÀ KHOA HỌC NỮ
Trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023 (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức), có hai nhà khoa học nữ của Đại học Quốc gia TPHCM nhận giải thưởng này. Cả hai nhà khoa học đều có những kết quả nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ y dược và vật liệu mới.
Đam mê vật liệu mới
Với những thành tích nổi bật trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh (sinh năm 1990), Trưởng nhóm nghiên cứu vật liệu hóa sinh và môi trường, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TPHCM, đã vinh dự nhận được giải thưởng Quả cầu vàng 2023. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho nhà khoa học nữ trẻ tuổi nhất với thành tích “khủng”: hơn 40 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.
ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh (giữa) nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023
Yêu thích môn Hóa học từ thời phổ thông, năm 18 tuổi, Thùy Linh chọn ngành Hóa học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên) với ước mơ trở thành giáo viên dạy Hóa. Trong quá trình học, với sự hướng dẫn nhiệt tình của các giảng viên, Thùy Linh đã bắt đầu bén duyên với niềm đam mê nghiên cứu khoa học về ngành học mình đã chọn.
ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh chia sẻ: “Năm thứ 4 mình làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài về vật liệu xốp khung hữu cơ kim loại, nhưng chuyên ngành mình học lại là hóa hữu cơ. Lúc mới bắt đầu nghiên cứu, mình rất bỡ ngỡ vì cái gì cũng mới. Nhưng chính những lúc khó nhất, những cái mới nhất đã giúp mình nỗ lực để có nhiều kiến thức và luôn thúc ép mình dành nhiều thời gian hơn cho những bài toán tại phòng thí nghiệm. Nhờ làm việc tại phòng thí nghiệm hiện đại với các thiết bị nghiên cứu chuyên sâu, cũng như được học hỏi trực tiếp từ các nhà khoa học hàng đầu thế giới về lĩnh vực vật liệu mới như GS Omar M. Yaghi, GS O’Keeffe…, mình ngày càng có thêm nhiều động lực và nuôi dưỡng khát vọng, ước mơ về hướng nghiên cứu mình đã chọn”.
Tốt nghiệp đại học năm 2013, Thùy Linh quyết định ở lại Trung tâm INOMAR làm nghiên cứu viên và học lên thạc sĩ một năm sau đó để chuyên tâm theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Với hướng nghiên cứu về vật liệu xốp khung kim loại hữu cơ, Thùy Linh tập trung vào các vật liệu có độ bền và tiềm năng thương mại hóa cao. Một trong những công trình mà Thùy Linh tâm đắc là “Vật liệu khung hữu cơ kim loại Zr and Hf-MOF: xúc tác dị thể hiệu quả cho phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole thông qua phản ứng mở vòng alcyl hóa”. Ở công trình này, Thùy Linh áp dụng phương pháp vi sóng trong quá trình thực nghiệm thay vì phương pháp nhiệt dung môi để rút ngắn thời gian tổng hợp mỗi hợp chất hữu cơ từ 6-7 giờ xuống còn 15-60 phút, từ đó tiết kiệm năng lượng cho quy trình tổng hợp. Từ hướng đi này, công trình đã điều chế được 10 hợp chất có hoạt tính sinh học, có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, môi trường. Với những kết quả nổi bật trên, bài báo về công trình này được chấp thuận đăng trên Tạp chí quốc tế Journal of Catalysis thuộc danh mục Q1 với chỉ số Impact Factor cao đến 7.3.
Năm 2019, ThS Nguyễn Hồ Thùy Linh tiếp tục học chương trình đào tạo tiến sĩ về chuyên ngành Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử tại Trung tâm INOMAR, dự kiến tốt nghiệp vào năm 2024. Chỉ sau 10 năm gắn bó với nghiên cứu khoa học, cô đã có hơn 40 bài báo khoa học, trong đó có 21 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1, 17 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Q2, 4 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước…
Nghiên cứu cải thiện chức năng não bộ
TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật y sinh, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong 10 nhà khoa học trẻ nhận giải thưởng Quả cầu vàng năm 2023 vì có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực công nghệ y – dược.
TS Hà Thị Thanh Hương đang thực hiện nghiên cứu về thần kinh não bộ
Lớn lên trong gia đình có ba và mẹ làm nhà giáo, ngay từ bé Thanh Hương đã sớm bộc lộ sở thích học các môn tự nhiên. Nhờ đó, từ thời học phổ thông, Thanh Hương đã đoạt nhiều giải thưởng về môn Sinh học, như giải nhất học sinh giỏi cấp thành phố năm lớp 11, 12 và giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia môn Sinh học. Lên đại học, Thanh Hương còn được biết đến với biệt danh nữ sinh “chuyên săn học bổng”. Để có thể chinh phục được học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam, thực hiện ước mơ đặt chân tới Đại học Stanford (Mỹ), cô đã chuẩn bị đầy đủ về thành tích học đại học, chứng chỉ tiếng Anh, kinh nghiệm nghiên cứu và quan trọng hơn nữa là một ý định rõ ràng trong việc quay về Việt Nam phục vụ đất nước. Còn đối với Đại học Stanford, điểm mạnh nhất trong hồ sơ của Thanh Hương lúc đó là câu chuyện dẫn dắt cô tới Thần kinh học. Giáo sư trưởng hội đồng tuyển sinh khi gặp cô ở Đại học Stanford đã cho biết, ông dành Thời gian để đọc đi đọc lại bài luận của cô và rất cảm động.
TS Thanh Hương chia sẻ: “Khi học đại học, tôi học ngành Công nghệ sinh học, nhưng học tiến sĩ thì theo ngành Thần kinh học. Tôi may mắn là được đào tạo bài bản về Sinh học phân tử từ PGS-TS Hồ Huỳnh Thùy Dương nên nhanh chóng nắm bắt phần kỹ thuật này khi thực hiện đề tài nghiên cứu sinh. Tuy vậy, đề tài ở Đại học Stanford của tôi còn dùng rất nhiều kỹ thuật và kiến thức khác, ví dụ như nuôi cấy tế bào thần kinh, giải phẫu chuột, đo tín hiệu điện sinh lý… mà tôi phải mất 2-3 năm đầu mới có thể thấu hiểu và thành thạo. Nhưng có lẽ khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là vừa làm đề tài tốt nghiệp, vừa phải nghĩ tới việc sau này về Việt Nam sẽ xây dựng nhóm nghiên cứu như thế nào, sử dụng kỹ thuật gì để có thể triển khai ngay khi về nước…”.
Năm 2018, ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Thần kinh học, nhà khoa học sinh năm 1989 đã về Việt Nam và giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Đại học Quốc tế. Hiện nay, TS Thanh Hương đã thành lập nhóm nghiên cứu Brain Health Lab để thực hiện những nghiên cứu cải thiện chức năng não bộ, nâng cao sức khỏe tinh thần. Hiện tại, nhóm gồm 20 thành viên là sinh viên, học viên cao học và trợ lý nghiên cứu. Hướng nghiên cứu của nhóm tập trung chuyên sâu về stress và bệnh Alzheimer. Ở hướng nghiên cứu về bệnh Alzheimer, nhóm đã sáng tạo phần mềm Brain Analytics dùng để chẩn đoán bệnh Alzheimer bằng trí tuệ nhân tạo dựa trên ảnh MRI não. Phần mềm có thể đưa ra kết quả nhanh trong 10 phút với độ chính xác khoảng 96%, giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian chẩn đoán. Bên cạnh xác suất mắc bệnh, phần mềm cũng đưa ra các thông số chi tiết về các vùng não bộ để các bác sĩ tiện theo dõi.
Việc nghiên cứu phần mềm Brain Analytics đã giúp nhóm nghiên cứu do TS Thanh Hương dẫn dắt đoạt nhiều thành tích tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, như: giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2022); giải “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021”; giải nhì cuộc thi Sáng tạo và khởi nghiệp Trung Quốc – ASEAN năm 2022. Trước đó, TS Thanh Hương là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên nhận giải Early Career Award của Tổ chức Nghiên cứu não quốc tế vào năm 2020, được tổ chức L’Oréal – UNESCO vinh danh là “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022”.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng
Link bài gốc: https://www.sggp.org.vn/khat-vong-nghien-cuu-cua-hai-nha-khoa-hoc-nu-post726095.html?fbclid=IwAR0LNxR8trxWjEOAy7Q_PVGBY3yBaQAUMElG77weuM20K_tBZHtyBwRxJGE
“CỨ THEO ĐUỔI TẬN CÙNG ĐAM MÊ, QUẢ NGỌT SẼ TỚI”
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng – top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á chia sẻ, cứ làm hết sức và theo đuổi đến cùng đam mê của mình, thành quả ngọt ngào ắt sẽ đến.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng chia sẻ, trong thâm tâm, chị muốn phát triển theo hướng nghiên cứu ứng dụng, tạo ra giá trị phục vụ cho chính người dân. Đất nước mình còn nghèo lắm. Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nơi người dân không có nước sạch uống. Tại sao mình không tạo ra nước sạch cho người dân?
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng (giữa), top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á
ĐƯỜNG ĐẾN QUẢ CẦU VÀNG
Hành trình đến danh hiệu Quả cầu vàng năm 2021 của TS Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1986, giảng viên Trường ĐH KHTN – ĐHQG TP.HCM) đã để lại nhiều ấn tượng cho giới khoa học công nghệ trong và ngoài nước.
TS Nguyễn Thanh Bình cùng cộng sự trong một giờ nghiên cứu. Ảnh: TG
Ra đi để… trở về
Sau khi hoàn thành chương trình Cử nhân Toán – Tin học với danh hiệu thủ khoa đầu ra Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) vào năm 2008, Nguyễn Thanh Bình tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) tại nước ngoài. Anh tốt nghiệp thạc sĩ Toán Ứng dụng tại Đại học Orleans (Pháp) năm 2009. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (loại ưu) tại Đại học Bách khoa Paris (Ecole Polytechnique), Nguyễn Thanh Bình trở về công tác tại Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên từ năm 2013 đến nay.
8 năm làm công tác giảng dạy và NCKH, anh sở hữu hơn 50 công trình khoa học, trong đó có 10 bài báo được đăng tại các tạp chí quốc tế uy tín như SIAM Review (SCI Q1, IF = 14.686), SIAM Journal on Applied Mathematics (SCI Q1, IF = 1.718), Knowledge-based System (SCI Q1, IF = 8.038), Information Sciences (SCI Q1, IF = 6.795), NeuroComputing (SCI Q1, IF = 5.719)…
Để giành được giải thưởng cao quý Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn TNCS TP Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học Công nghệ trao tặng, TS Nguyễn Thanh Bình đã đệ trình 4 bằng sáng chế quốc tế liên quan đến việc xây dựng các hệ thống về trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực thẩm định chất lượng sản phẩm ở các nhà máy và xưởng sản xuất trong công nghiệp.
Trong đó, anh có một bằng sáng chế được cấp tại Mỹ vào tháng 7/2021 liên quan đến việc xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng sợi vải tự động trong lĩnh vực may mặc bằng cách sử dụng máy đo quang phổ.
Đây là bằng sáng chế đầu tiên trên thế giới liên quan hệ thống này và đang triển khai áp dụng trong doanh nghiệp. Ba bằng sáng chế còn lại đang chờ xét duyệt liên quan đến việc xây dựng các hệ thống AI để dự đoán các lỗi có khả năng xảy ra trong quá trình sản xuất tại nhà máy may mặc. Và sáng chế “Đánh giá chất lượng sản xuất của các nhà máy may mặc một cách tự động thông qua dự liệu thẩm định lịch sử và cũng như ước lượng rủi ro trong quá trình sản xuất đơn hàng” tại các nhà máy công nghiệp. Các bằng sáng chế này bắt đầu triển khai áp dụng thực tế.
Tập trung theo đuổi nghiên cứu về các ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, TS Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Tôi thích mở rộng các nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn. Hiện, tôi tập trung vào AI, bởi trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng và có nhiều ứng dụng khác nhau trong đời sống xã hội. Những nghiên cứu có tính ứng dụng cao mà mình đang triển khai sẽ tiết kiệm nhiều chi phí sản xuất, gia tăng năng suất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cũng như từng bước nâng cao kết quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam”.
Hoàn thành bằng tiến sĩ loại ưu tại Pháp với nhiều cơ hội rộng mở cho công việc tại nước ngoài nhưng vẫn quyết trở về nước làm việc, bởi theo anh, ở Việt Nam còn có mẹ, quê hương, bạn bè và đồng nghiệp.
“Quan trọng hơn, tôi muốn cống hiến và phục vụ cho quê hương mình, được sống và làm khoa học trên chính quê hương, đất nước mình. Dẫu biết sẽ có nhiều khó khăn vì điều kiện nghiên cứu khoa học không thể bằng ở nước ngoài, nhưng tôi nghĩ đó là một thử thách riêng và cũng thú vị, giúp mình có thêm động lực. Về nước gần 10 năm, tôi cảm thấy lựa chọn của mình hoàn toàn chính xác và tự hào về những gì mình đã làm được”, TS Bình chia sẻ.
TS Nguyễn Thanh Bình (giữa) tại lễ nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2021
Niềm vui của người truyền lửa
Theo TS Nguyễn Thanh Bình, các giải thuật và thuật toán trong tất cả mô hình học của ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều chứa đựng bên trong những mô hình tối ưu, tính toán và ước lượng phức tạp sử dụng các công cụ toán học để giải quyết.
“Vai trò của toán học vô cùng quan trọng trong việc xây dựng những công cụ và thuật toán trong lĩnh vực máy học. Từ đó, chúng ta có thể áp dụng công cụ và thuật toán này để xây dựng các hệ chuyên gia, hệ thống trí tuệ nhân tạo cho bài toán thực tế. Tôi thấy mình may mắn khi là dân toán và được học chuyên sâu về toán. Thực tế toán học rất kỳ diệu bởi nó giải quyết gần như mọi vấn đề của cuộc sống hiện nay”, TS Bình chia sẻ.
Minh chứng cho sự thành công khi tối ưu được toán trên nền tảng NCKH, trong năm 2021, TS Nguyễn Thanh Bình đã có công trình nghiên cứu mang ý nghĩa thực tế bằng cách sử dụng AI trong các ứng dụng, cụ thể như: Công trình “Multi-source Machine Learning for AQI Estimation” đưa ra hướng tiếp cận máy học để dự đoán mức độ ô nhiễm không khí ở thành phố lớn.
Trong công trình này, nhóm nghiên cứu chế tạo một thiết bị IoT để thu thập dữ liệu ô nhiễm ở các tuyến đường khác nhau qua các quận, huyện từ huyện Nhà bè, Quận 4, Quận 1, Quận 3, Quận 10, quận Bình Thạnh, Quận 2, quận Thủ Đức và đưa ra mô hình dự đoán có độ chính xác cao. Kết quả nghiên cứu được chấp nhận báo cáo tại Hội nghị IEEE Big Data. Công trình nghiên cứu được xuất bản vào tháng 1/2021.
Anh và nhóm nghiên cứu cũng xây dựng các hệ thống mang tính ứng dụng thực tế như hệ thống phân tích sắc thái (sentiment classification) với công trình “A Novel Approach for Enhancing Vietnamese Sentiment Classification” được báo cáo tại Hội nghị SoMeT 2021, hệ thống Hỏi – Đáp tự động (Question Answering platform) với công trình “SPBERT: An Efficient Pre-training BERT on SPARQL Queries for Question Answering over Knowledge Graphs” được báo cáo tại Hội nghị ICONIP 2021…
TS Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Để định hình được sản phẩm nghiên cứu khoa học trên thị trường, cần có sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và công ty để làm cầu nối, giúp các kết quả nghiên cứu khoa học có thể đưa ra thành những ứng dụng cụ thể. Bên cạnh đó, sự quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước cũng sẽ là sự động viên vô cùng quý giá, tạo nền tảng để đưa sản phẩm nghiên cứu, sáng chế nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đạo
Link bài gốc: https://giaoducthoidai.vn/ts-nguyen-thanh-binh-duong-den-qua-cau-vang-post569375.html
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ
Các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành tham gia Chương trình VNU350 sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ từ ĐHQG-HCM và chính sách hỗ trợ cụ thể của từng đơn vị tuyển dụng. Các chính sách đãi ngộ từ ĐHQG-HCM bao gồm:
- Được đảm bảo cơ sở vật chất và môi trường làm việc chuyên nghiệp, văn minh, công bằng, bố trí công việc phù hợp với năng lực.
- Được tiếp cận và sử dụng chung phòng thí nghiệm, cơ sở dữ liệu, thư viện của các đơn vị trong hệ thống nhằm phục vụ công tác nghiên cứu theo quy định.
- Được tạo điều kiện tham gia cộng đồng nghiên cứu khoa học, hợp tác đào tạo và phát triển quan hệ với các nhà khoa học trong ĐHQG-HCM cùng các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước.
- Được hỗ trợ đăng ký đề tài các cấp, bao gồm các đề tài dự án quốc tế, của Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia (KC), Nafosted, các đề tài của Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương, doanh nghiệp…
- Được đảm bảo tham gia giảng dạy, hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh.
- Được ưu tiên đăng ký nhà công vụ, nếu độ tuổi dưới 35.
- Trong thời gian 2 năm đầu: được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200.000.000 đồng).
- Năm thứ ba: được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng).
- Năm thứ tư: được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng.
- Năm thứ năm: được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp Nhà nước.
Trong thời gian 2 năm đầu: được cấp một đề tài nghiên cứu khoa học loại B (kinh phí tối đa 1 tỷ đồng).
Các năm tiếp theo:
- (1) được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng;
- (2) được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh;
- (3) được hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN
Các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu đều có thể tham gia ứng tuyển Chương trình VNU350.
- Có trình độ tiến sĩ. Ưu tiên các ứng viên có học hàm, có chuyên môn liên quan đến các ngành, lĩnh vực thuộc vị trí tuyển dụng; đã học tập, công tác ở nước ngoài.
- Đảm bảo các giá trị cốt lõi của ĐHQG-HCM: Xuất sắc, tiên phong, chính trực, trách nhiệm, cộng đồng. Theo đó các ứng viên cần có khả năng giảng dạy, nghiên cứu độc lập; có khát vọng, hoài bão, mong muốn đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của ĐHQG-HCM nói riêng và giáo dục đại học Việt Nam nói chung.
- Ứng viên đăng ký tham gia Chương trình VNU350 phải đảm bảo sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được thông báo trúng tuyển.
Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng một trong bốn tiêu chí sau:
(1) Có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín;
(2) hoặc có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công;
(3) hoặc có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao;
(4) hoặc có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển ĐHQG-HCM.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ năm tiêu chí sau:
Có kinh nghiệm và năng lực:
(1) đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm;
(2) chủ trì đề tài, dự án khoa học – công nghệ;
(3) có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế;
(4) có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh;
(5) có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế (là thành viên của các tổ chức khoa học – công nghệ quốc tế; tham gia tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; biên tập, phản biện bài báo cho các tạp chí quốc tế).
VỊ TRÍ TUYỂN DỤNG ĐỢT 2 NĂM 2024
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên Thiết kế vi mạch | BK-01 | 02 |
Giảng viên Công nghệ bán dẫn | BK-02 | 02 |
Giảng viên Khoa học dữ liệu/Khoa học máy tính | BK-03 | 03 |
Giảng viên Kỹ thuật Cơ điện tử | BK-04 | 01 |
Giảng viên Toán ứng dụng | BK-05 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên Thiết kế vi mạch |
|
|
Giảng viên Công nghệ bán dẫn |
|
|
Giảng viên Khoa học dữ liệu/Khoa học máy tính |
|
|
Giảng viên Kỹ thuật Cơ điện tử | Nghiên cứu và phát triển:
Giảng dạy:
|
|
Giảng viên Toán ứng dụng |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
Đối với ứng viên người Việt Nam:
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 18.000.000 đồng/tháng.
Đối với ứng viên người nước ngoài:
- Lương vị trí việc làm gấp 03 lần so với mức lương vị trí việc làm tương ứng của ứng viên người Việt Nam.
- Hỗ trợ 02 vé máy bay khứ hồi/năm.
- Hỗ trợ điều kiện ổn định ăn, ở trong 03 tháng đầu tiên. Hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục trong quá trình nhân sự làm việc tại Trường.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Thiết kế vi mạch cao tần) | KHTN-01 | 01 |
Giảng viên Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Thiết kế vi mạch Y sinh) | KHTN-02 | 01 |
Giảng viên, Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Điện tử Y khoa) | KHTN-03 | 01 |
Giảng viên, Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học | KHTN-04 | 02 |
Giảng viên, Khoa Công nghệ thông tin (Nhóm ngành máy tính và Công nghệ Thông tin) | KHTN-05 | 01 |
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Máy tính hoặc Công nghệ Thông tin hoặc Trí tuệ nhân tạo hoặc Công nghệ giáo dục) | KHTN-06 | 01 |
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Giáo dục hoặc Công nghệ giáo dục) | KHTN-07 | 01 |
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Kinh tế, Thương mại, Kinh doanh, Tài chính) | KHTN-08 | 01 |
Giảng viên Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật (ngành Công nghệ bán dẫn, Vi mạch, Tính toán lượng tử) | KHTN-09 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Thiết kế vi mạch cao tần) |
|
|
Giảng viên Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Thiết kế vi mạch Y sinh) |
|
|
Giảng viên, Khoa Điện tử – Viễn thông (Chuyên gia Điện tử Y khoa) |
|
|
Giảng viên, Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học |
|
|
Giảng viên, Khoa Công nghệ thông tin (Nhóm ngành máy tính và Công nghệ Thông tin) | Giảng dạy và phát triển học thuật:
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
|
|
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Máy tính hoặc Công nghệ Thông tin hoặc Trí tuệ nhân tạo hoặc Công nghệ giáo dục) | Giảng dạy và phát triển học thuật:
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
Tham gia các sự kiện hợp tác quốc tế và trong nước, phát triển mối quan hệ đối tác, đặc biệt trong các dự án nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Máy tính và Công nghệ Thông tin và/hoặc liên ngành. |
|
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Giáo dục hoặc Công nghệ giáo dục) | Giảng dạy và phát triển học thuật:
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
Tham gia các sự kiện hợp tác quốc tế và trong nước, phát triển mối quan hệ đối tác, đặc biệt trong các dự án nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, Công nghệ giáo dục và/hoặc liên ngành. |
|
Giảng viên, Khoa Khoa học liên ngành (nhóm ngành Kinh tế, Thương mại, Kinh doanh, Tài chính) | Giảng dạy và phát triển học thuật:
Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế:
|
|
Giảng viên Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật (ngành Công nghệ bán dẫn, Vi mạch, Tính toán lượng tử) |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 20.000.000 đồng/tháng.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên Ngành Ngôn ngữ Đức | XHNV-01 | 01 |
Giảng viên Ngành Tôn giáo học | XHNV-02 | 01 |
Giảng viên Ngành Giáo dục học | XHNV-03 | 01 |
Giảng viên Ngành Tâm lý học lâm sàng | XHNV-04 | 01 |
Giảng viên Ngành Ngôn ngữ học | XHNV-05 | 01 |
Giảng viên Ngành Nhật Bản học | XHNV-06 | 01 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên Ngành Ngôn ngữ Đức |
| Có trình độ Tiến sĩ trở lên
|
Giảng viên Ngành Tôn giáo học |
| Có trình độ Tiến sĩ trở lên |
Giảng viên Ngành Giáo dục học |
| Có học hàm từ Phó Giáo sư trở lên |
Giảng viên Ngành Tâm lý học lâm sàng |
| |
Giảng viên Ngành Ngôn ngữ học |
| |
Giảng viên Ngành Nhật Bản học |
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
Đối với ứng viên người Việt Nam:
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 15.000.000 đồng/tháng.
Đối với ứng viên người nước ngoài:
- Lương vị trí việc làm gấp 02 lần so với mức lương vị trí việc làm tương ứng của ứng viên người Việt Nam.
- Hỗ trợ 02 vé máy bay khứ hồi/năm.
- Hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục trong quá trình nhân sự làm việc tại Trường.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên (Bộ môn Phát triển Phần mềm, Khoa Công nghệ Phần mềm) | CNTT-01 | 01 |
Giảng viên (Bộ môn Môi trường ảo và Phát triển game, Khoa Công nghệ Phần mềm) | CNTT-02 | 01 |
Giảng viên (Khoa Khoa học máy tính) | CNTT-03 | 01 |
Giảng viên (Khoa Hệ thống thông tin) | CNTT-04 | 01 |
Giảng viên Ngành Kỹ thuật Thiết kế vi mạch (Khoa Kỹ thuật máy tính) | CNTT-05 | 03 |
Giảng viên Ngành Kỹ thuật máy tính (Khoa Kỹ thuật máy tính) | CNTT-06 | 01 |
Giảng viên (Bộ môn Khoa học Dữ liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin) | CNTT-07 | 01 |
Giảng viên (Bộ môn Toán – Lý) | CNTT-08 | 02 |
Nghiên cứu viên (Phòng Thí nghiệm Hệ thống thông tin) | CNTT-09 | 01 |
Nghiên cứu viên (Phòng Thí nghiệm Truyền thông đa phương tiện) | CNTT-10 | 01 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên (Bộ môn Phát triển Phần mềm, Khoa Công nghệ Phần mềm) |
|
|
Giảng viên (Bộ môn Môi trường ảo và Phát triển game, Khoa Công nghệ Phần mềm) |
|
|
Giảng viên (Khoa Khoa học máy tính) |
|
|
Giảng viên (Khoa Hệ thống thông tin) |
|
|
Giảng viên Ngành Kỹ thuật Thiết kế vi mạch (Khoa Kỹ thuật máy tính) |
|
|
Giảng viên Ngành Kỹ thuật máy tính (Khoa Kỹ thuật máy tính) |
|
|
Giảng viên (Bộ môn Khoa học Dữ liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Thông tin) |
|
|
Giảng viên (Bộ môn Toán – Lý) |
|
|
Nghiên cứu viên (Phòng Thí nghiệm Hệ thống thông tin) |
|
|
Nghiên cứu viên (Phòng Thí nghiệm Truyền thông đa phương tiện) |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 18.000.000 đồng/tháng.
- Được hỗ trợ các bài báo khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus, mức hỗ trợ tối đa 200.000.000 đồng/năm.
- Trong 01 năm đầu, được cấp 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường (kinh phí 35.000.000 đồng).
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên (Khoa Điện – Điện tử) | QT-01 | 01 |
Giảng viên (Bộ môn Toán) | QT-02 | 01 |
Giảng viên (Bộ môn Vật lý) | QT-03 | 01 |
Giảng viên (Khoa Công nghệ Thông tin) | QT-04 | 01 |
Giảng viên (Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp) | QT-05 | 01 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên (Khoa Điện – Điện tử) |
|
|
Giảng viên (Bộ môn Toán) |
| |
Giảng viên (Bộ môn Vật lý) |
| |
Giảng viên (Khoa Công nghệ Thông tin) |
| |
Giảng viên (Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp) |
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
Đối với ứng viên người Việt Nam:
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 23.200.000 đồng/tháng.
Đối với ứng viên người nước ngoài:
- Lương và phụ cấp: 30.000.000 đồng/tháng.
- Hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục trong quá trình nhân sự làm việc tại Trường.
Vị trí tuyển dụng |
Mã số |
Số lượng |
Giảng viên (Lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh) | KTL-01 |
02 |
Giảng viên (Lĩnh vực Luật) | KTL-02 |
01 |
Vị trí tuyển dụng |
Mô tả vị trí công việc |
Khung năng lực |
Giảng viên (Lĩnh vực Kinh tế, Kinh doanh) |
|
|
Giảng viên (Lĩnh vực Luật) |
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
Đối với ứng viên người Việt Nam:- Thu nhập trung bình của Tiến sĩ có kinh nghiệm trên 03 năm: 28.000.000 đồng/tháng, Phó Giáo sư: 45.000.000 đồng/tháng, Giáo sư: 51.000.000 đồng/tháng.
- Chính sách thu hút ứng viên mới về Trường: Giáo sư: 350.000.000 đồng; Phó Giáo sư: 250.000.000 đồng; Tiến sĩ: 150.000.000 đồng.
- Hỗ trợ kinh phí khi đạt chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư:
- Giáo sư: 150.000.000 đồng.
- Phó Giáo sư: 100.000.000 đồng.
- Hưởng các chính sách đối với ứng viên người Việt Nam.
- Các chế độ đãi ngộ khác theo thỏa thuận nêu rõ trong Hợp đồng lao động.
Giảng viên Khoa học giáo dục và Khoa học tự nhiên (Khoa học giáo dục, Toán học, Vật lý)AG-05
01
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên Nông nghiệp (Cơ khí nông nghiệp) | AG-02 | 01 |
Giảng viên (Tự động hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0) | AG-03 | 01 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên Nông nghiệp (Cơ khí nông nghiệp) |
|
|
Giảng viên (Tự động hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0) |
|
|
Giảng viên Khoa học giáo dục và Khoa học tự nhiên (Khoa học giáo dục, Toán học, Vật lý) |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
Đối với ứng viên người Việt Nam:
- Lương và phụ cấp theo quy định của Nhà nước: 10.000.000 đồng/tháng.
- Chính sách thu hút ứng viên mới về Trường: 60.000.000 đồng/người.
Đối với ứng viên người nước ngoài:
- Hưởng tất cả các chính sách dành cho ứng viên người Việt Nam.
- Hỗ trợ 02 vé máy bay khứ hồi/năm.
- Được bố trí phòng lưu trú tại Nhà khách Quốc tế của Trường và hỗ trợ các hồ sơ, thủ tục trong quá trình nhân sự làm việc tại Trường.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Nghiên cứu viên lĩnh vực Sinh học Môi trường | IER-01 | 01 |
Nghiên cứu viên lĩnh vực Quản lý Môi trường và Tài nguyên | IER-02 | 02 |
Nghiên cứu viên lĩnh vực Kỹ thuật Môi trường | IER-03 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Nghiên cứu viên lĩnh vực Sinh học Môi trường |
|
|
Nghiên cứu viên lĩnh vực Quản lý Môi trường và Tài nguyên |
|
|
Nghiên cứu viên lĩnh vực Kỹ thuật Môi trường |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Thu nhập tăng thêm: hưởng quyền lợi chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp và chỉ đóng góp phí quản lý theo quy định của Viện: ước tính 14.000.000 đồng/tháng.
- Đối với những trường hợp đặc biệt: Lãnh đạo Viện sẽ xem xét phê duyệt mức lương phù hợp với chuyên môn, có thể cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với mức lương của Tiến sĩ mới về Viện được hưởng.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Giảng viên ngành Y | KY-01 | 02 |
Giảng viên ngành Răng Hàm Mặt | KY-02 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Giảng viên ngành Y |
|
|
Giảng viên ngành Răng Hàm Mặt |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Lương theo vị trí việc làm: 16.000.000 đồng/tháng.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Nghiên cứu viên | NANO-01 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Nghiên cứu viên |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Thu nhập tăng thêm (thưởng nghiên cứu khoa học) khi chủ trì và tham gia thực hiện các đề tài nghiên cúu khoa học các cấp của Viện: 10.000.000 đồng/tháng. Đối với những nhân sự có trình độ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, Ban lãnh đạo Viện sẽ xem xét, thu nhập tăng thêm có thể cao hơn tùy điều kiện kinh phí các đề tài hằng năm.
Vị trí tuyển dụng | Mã số | Số lượng |
Nghiên cứu viên | INOMAR-01 | 02 |
Vị trí tuyển dụng | Mô tả vị trí công việc | Khung năng lực |
Nghiên cứu viên |
|
|
CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ CỦA ĐƠN VỊ
- Lương theo quy định của Nhà nước (Tiến sĩ có hệ số 3.0): 5.400.000 đồng/tháng.
- Thu nhập theo vị trí việc làm trong 02 năm đầu: 6.600.000 đồng/tháng.
- Thu nhập tăng thêm: từ tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đang được triển khai tại đơn vị, dự kiến tối thiểu 10.000.000 đồng/tháng.
Vị trí tuyển dụng | Mã số |
Lĩnh vực ứng viên quan tâm không thuộc danh mục tuyển dụng của các đơn vị | ĐHQG-HCM |
Nếu lĩnh vực mà ứng viên quan tâm không có trong danh mục tuyển dụng của các đơn vị nêu trên thì ứng viên có thể nộp hồ sơ trực tiếp cho Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với mã số vị trí tuyển dụng như trên.
HƯỚNG DẪN NỘP HỒ SƠ
YÊU CẦU HỒ SƠ
Ứng viên chuẩn bị một bộ hồ sơ năng lực theo yêu cầu như sau:
- Thư trình bày nguyện vọng;
Thư giới thiệu từ đơn vị cũ hoặc thư giới thiệu từ những thầy/cô hướng dẫn hoặc những chuyên gia có uy tín.
- Lý lịch khoa học; (theo biểu mẫu đính kèm TẢI VỀ);
- Kế hoạch phát triển của cá nhân trong 5 năm nếu trúng tuyển;
- Thuyết minh đề tài theo mẫu của ĐHQG-HCM; (theo biểu mẫu đính kèm TẢI VỀ);
- Các tài liệu minh chứng năng lực, kinh nghiệm công tác, thành tích phù hợp với yêu cầu vị trí thu hút.
PHƯƠNG THỨC NỘP HỒ SƠ
Ứng viên chuẩn bị hồ sơ và gửi về ĐHQG-HCM trước ngày 30/6/2024 thông qua một trong hai phương thức:
- Trực tiếp tại trang web: vnu350.vnuhcm.edu.vn;
- Thư điện tử vnu350@vnuhcm.edu.vn;
Nếu lĩnh vực mà ứng viên quan tâm, không có trong danh mục tuyển dụng của các đơn vị thì ứng viên có thể nộp hồ sơ trực tiếp cho ĐHQG-HCM.
Ứng viên chỉ đăng ký ở một vị trí, một đơn vị phù hợp với trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và năng lực của mình. Hồ sơ đăng ký không hoàn trả lại.
Ghi chú: Ứng viên chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ minh chứng. Các trường hợp khai man, giả mạo hồ sơ sẽ bị hủy kết quả và xử lý theo quy định.
ĐHQG-HCM sẽ thông báo kết quả trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày cuối cùng nhận đơn.